- Hồ sơ du học cần chuẩn bị những gì?
- Hồ sơ xin học bổng gồm những gì?
- Làm thế nào để xin được học bổng của các trường ở nước ngoài?
![]() |
Phong cảnh ở Đài Loan được ghi lại bởi Racy Bùi |
Có cả trăm câu hỏi liên quan đến vấn đề đi du học hay xin học bổng.
Cũng có rất nhiều người bạn có thể hỏi xin tư vấn các vấn đề trên.
Nhưng không phải câu hỏi nào bạn cũng có thể nhờ người ta giải đáp theo kiểu đối thoại (nhắn tin, viết mail, gọi điện...), vì sao? Vì các câu hỏi chung chung kiểu như trên sẽ không thích hợp để hỏi riêng ai cả. Cũng sẽ không có mấy cá nhân người nào thoải mái ngồi cả tiếng đồng hồ nhắn tin qua lại với bạn để trả lời các câu hỏi mà bạn có thể dễ dàng tra cứu trên google hay youtube.
Thậm chí, khi bạn hỏi các câu chung chung đó, nó sẽ khiến cho đối phương cảm thấy bạn phiền hà và không chủ động trong việc xin học bổng hay du học của mình, rồi đối phương cũng sẽ ít quan tâm đến câu chuyện của bạn hơn.
Vậy các câu hỏi nào thì bạn nên tự chủ động tra cứu?
Đa phần các câu hỏi về quy trình thủ tục, các giấy tờ liên quan, phương thức xin giấy tờ, tra cứu ngành học chúng ta đều có thể tự tìm hiểu trên mạng. Một tài nguyên dồi dào về thông tin du học được rất nhiều người chia sẻ rộng rãi, bao gồm cả bài viết này.
Về cơ bản, để đi du học, có hai bước chính:
1. Bạn xin được xuất học (học bổng hoặc học tự túc) tại trường bạn muốn theo học.
Đây là bước đầu và là bước quyết định bạn có ra nước ngoài học được hay không. Bạn tất nhiên phải tự xác định ngành học bạn muốn, sau đó tìm trường có đào tạo ngành đó.
Tìm trường sẽ có một số tiêu chuẩn như sau:
- Đào tạo ngành học bạn muốn theo học. Ví dụ: Ngành IMBA
- Thứ hạng chung của trường tại quốc gia đó và trên thế giới. Thứ hạng rất quan trọng cho mục tiêu trong ngành học của bạn, thứ hạng đó gần như quyết định đến 50-70% chất lượng học tập của bạn và kết quả xin việc sau tốt nghiệp.
- Ngành bạn muốn theo học và ngành đào tạo trọng yếu của trường học có đào tạo ngành đó. Ví dụ: Trường Giáo dục sư phạm có đào tạo ngành IMBA, nhưng ngành học này không hề là ngành trọng yếu, mà gần như là thêm vào cho đa dạng, thì một điều chắc chắn rằng chất lượng đào tạo sẽ không tốt bằng các trường Kinh Tế.
- Trường đó có sinh viên Việt Nam nhưng không có chia sẻ gì về trường của các sinh viên đang theo học tại đó. Một điều rõ ràng rằng khi theo học tại một ngôi trường chất lượng, năng động thì sinh viên cũng thường năng động, thích chia sẻ. Bạn có thể tìm hiểu trường đó trên nhiều kênh như Facebook, Google, youtube...để tìm kiếm các bài viết liên quan. Nếu bạn có ấn tượng tốt với sinh viên trường đó, thì đó chính là dấu hiệu không tệ cho lựa chọn mà bạn đang tìm kiếm.

Ở bước này, bạn nên nhắn tin hỏi han với các bạn sinh viên du học cũ các câu hỏi cụ thể, kiểu như:
Trường này học ngành này có tốt không bạn?
Trường này học bổng có cao không bạn?
Trường này có nhiều sinh viên quốc tế theo học không bạn?
vân vân và mây mây... Mình tin rằng với các câu hỏi đó sẽ rất thuận lợi cho người trả lời.
Tránh các câu hỏi chung chung nếu bạn không muốn bị lơ đẹp hay từ chối thẳng!
Link một số bài chia sẻ thủ tục xin du học Đài Loan:
2. Bạn xin visa
Đến đây, tức là bạn đã nắm trong tay tờ đơn mời nhập học của trường bạn xin học. Vậy thì đã đến lúc bạn tìm kiếm các bài viết chia sẻ về quá trình xin visa rồi.
Đa phần các chia sẻ trên mạng là từ các trung tâm môi giới du học. Nhưng cũng có rất nhiều các kênh công vụ và cá nhân chia sẻ chia tiết quá trình cũng như thủ tục cần thiết cho việc này. Bạn chỉ cần chấp nhận mất nhiều hơn một chút thời gian.
Cũng đừng quên ghi chép lại các chia sẻ hữu ích vào sổ tay để khỏi quên nhé!
Ví dụ bài chia sẻ về thủ tục xin visa du học Đài Loan được chia sẻ từ Văn Phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam: https://www.roc-taiwan.org/vn_vi/post/1792.html

Bạn sẽ trải nghiệm được rất nhiều điều qua quá trình bạn xin học bổng và xin visa, nhưng bạn có trở nên mạnh mẽ và thông minh hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn có chủ động tìm kiếm và tra cứu thông tin hay không?
Bạn có thể ngồi đó đợi người khác mang học bổng và visa đến cho bạn, nhưng bạn chưa chắc đã sống sót một cách oai hùng trong quá trình bạn ở nơi đất khách.
Bạn nên xác định tâm lý trước về việc, xin được Visa mới chỉ là bước đầu cho chuỗi những bước khó khăn về sau. Để hái được quả ngọt, bạn cần tốt nghiệp và đi làm sau du học ít nhất 2 năm.
Chúc bạn mạnh mẽ và đủ kiên trì!
Racy Bùi
Chia sẻ từ Đài Loan!