Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Sống như nào là sống thông minh và Hạnh Phúc?

Sống như thế nào là sống thông minh và để có cảm giác hạnh phúc?

Triết gia người Đức David Prentch, tác giả cuốn sách Tôi Là Ai và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu đúc rút quá trình nghiên cứu tâm sinh lý của con người ở phần cuối cuốn sách rằng, tiền bạc và danh vọng đem đến cho chúng ta cảm giác thỏa mãn nhất thời, còn thứ cho chúng ta hạnh phúc lâu dài đó là các mối quan hệ xã hội khăng khít.

Còn nhà triết học Adler được tác giả người Nhật thể hiện tư tưởng của ông qua cuốn sách Dám Bị Ghét hay Dám Hạnh Phúc thì cho rằng Đau khổ của con người xuất phát từ sự ràng buộc của các mối quan hệ.



Vậy điểm rõ rệt ở đây chính là các mối quan hệ sẽ quyết định cuộc đời ta hạnh phúc hay khổ đau? Hay đúng hơn, sự ĐIỀU TIẾT các mối quan hệ trong cuộc sống của chúng ta sẽ quyết định hạnh phúc của chính chúng ta.

Vậy các mối quan hệ ở đây bao gồm những mối quan hệ nào?
- Mối quan hệ gia đình
- Mối quan hệ công việc
- Mối quan hệ bạn bè
- Mối quan hệ xã hội ( với người lạ không liên quan đến công việc, bạn bè hay gia đình)
- Mối quan hệ với chính bản thân
 
Sau khi đã phân loại rõ ràng các loại mối quan hệ, chúng ta sẽ cần hoàn thành nốt phần khoá quan trọng còn lại đó là làm thế nào để học được “điều tiết” các mối quan hệ cho phù hợp! 

Nếu phân loại tiếp thì ta sẽ thấy các loại quan hệ đều để đáp ứng một hay thậm chí nhiều nhu cầu nhất định. Như mối quan hệ gia đình để đáp ứng nhu cầu sở hữu và tình cảm, mối quan hệ yêu đương nhằm đáp ứng nhu cầu tình cảm và sinh lý, mối quan hệ công việc nhằm đáp ứng nhu cầu lợi ích …

Nhưng vậy sẽ có tới hằng hà sa số các loại nhu cầu của con người mà nếu phân tích sẽ cần rất nhiều thời gian. Vì thế, chúng ta mượn tư duy xác định của Adler tiếp để gộp chung các loại trên vào thành 1, đó là “con người xây dựng các mối quan hệ để đáp ứng nhu cầu được chấp nhận”. Nếu con người ở trong một mối quan hệ không được đối phương chấp nhận thì sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng, đau khổ, cho dù đối phương là ai, nên sẽ không muốn ở trong đó mà tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ khác. Điểm khác biệt của từng loại quan hệ nằm ở mức độ chấp nhận nhiều hay ít, sâu hay nông.




Như thế, điểm cốt lõi của mối quan hệ hạnh phúc là sự chấp nhận đối phương, nếu muốn nuôi dưỡng mối quan hệ nào đó, cần để cho cả hai bên hay nhiều bên có cảm giác được nhìn thấy, được chấp nhận. Tuy vậy, mức độ chấp nhận đối phương cần phải bảo trì ở mức vừa phải, nếu sự can thiệp của ai đó đối với mình đi quá giới hạn cũng sẽ tạo nên sự đau khổ, bản thân mình nếu dành quá nhiều sự chú ý cho người khác hơn mức cần thiết cũng sẽ gây nên ràng buộc mệt mỏi. Vì vậy, đối với từng loại quan hệ, mức độ chú ý cho đối phương nên vừa phải để cả hai cảm thấy hưởng thụ chứ không phải cống hiến hay mắc kẹt trong đó,  việc này giúp mối quan hệ sẽ bền vững và dài lâu. 

Một khi các mối quan hệ cơ bản xung quanh ta được điều tiết, nuôi dưỡng trong trạng thái hài lòng của cả hai hay nhiều bên, chúng ta sẽ thực sự hạnh phúc. 

Chúc bạn hạnh phúc!

Blogger Racy.

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

Hỏi gì khi muốn đi du học?

  • Hồ sơ du học cần chuẩn bị những gì?
  • Hồ sơ xin học bổng gồm những gì?
  • Làm thế nào để xin được học bổng của các trường ở nước ngoài?


Phong cảnh ở Đài Loan được ghi lại bởi Racy Bùi

        Có cả trăm câu hỏi liên quan đến vấn đề đi du học hay xin học bổng. 
       Cũng có rất nhiều người bạn có thể hỏi xin tư vấn các vấn đề trên. 
      Nhưng không phải câu hỏi nào bạn cũng có thể nhờ người ta giải đáp theo kiểu đối thoại (nhắn tin, viết mail, gọi điện...), vì sao? Vì các câu hỏi chung chung kiểu như trên sẽ không thích hợp để hỏi riêng ai cả. Cũng sẽ không có mấy cá nhân người nào thoải mái ngồi cả tiếng đồng hồ nhắn tin qua lại với bạn để trả lời các câu hỏi mà bạn có thể dễ dàng tra cứu trên google hay youtube. 
      Thậm chí, khi bạn hỏi các câu chung chung đó, nó sẽ khiến cho đối phương cảm thấy bạn phiền hà và không chủ động trong việc xin học bổng hay du học của mình, rồi đối phương cũng sẽ ít quan tâm đến câu chuyện của bạn hơn. 
      Vậy các câu hỏi nào thì bạn nên tự chủ động tra cứu? 
     Đa phần các câu hỏi về quy trình thủ tục, các giấy tờ liên quan, phương thức xin giấy tờ, tra cứu ngành học chúng ta đều có thể tự tìm hiểu trên mạng. Một tài nguyên dồi dào về thông tin du học được rất nhiều người chia sẻ rộng rãi, bao gồm cả bài viết này. 
Về cơ bản, để đi du học, có hai bước chính:

1. Bạn xin được xuất học (học bổng hoặc học tự túc) tại trường bạn muốn theo học.
      Đây là bước đầu và là bước quyết định bạn có ra nước ngoài học được hay không. Bạn tất nhiên phải tự xác định ngành học bạn muốn, sau đó tìm trường có đào tạo ngành đó.
Tìm trường sẽ có một số tiêu chuẩn như sau: 
-  Đào tạo ngành học bạn muốn theo học. Ví dụ: Ngành IMBA
- Thứ hạng chung của trường tại quốc gia đó và trên thế giới. Thứ hạng rất quan trọng cho mục tiêu trong ngành học của bạn, thứ hạng đó gần như quyết định đến 50-70% chất lượng học tập của bạn và kết quả xin việc sau tốt nghiệp. 
- Ngành bạn muốn theo học và ngành đào tạo trọng yếu của trường học có đào tạo ngành đó. Ví dụ: Trường Giáo dục sư phạm có đào tạo ngành IMBA, nhưng ngành học này không hề là ngành trọng yếu, mà gần như là thêm vào cho đa dạng, thì một điều chắc chắn rằng chất lượng đào tạo sẽ không tốt bằng các trường Kinh Tế.
- Trường đó có sinh viên Việt Nam nhưng không có chia sẻ gì về trường của các sinh viên đang theo học tại đó. Một điều rõ ràng rằng khi theo học tại một ngôi trường chất lượng, năng động thì sinh viên cũng thường năng động, thích chia sẻ. Bạn có thể tìm hiểu trường đó trên nhiều kênh như Facebook, Google, youtube...để tìm kiếm các bài viết liên quan. Nếu bạn có ấn tượng tốt với sinh viên trường đó, thì đó chính là dấu hiệu không tệ cho lựa chọn mà bạn đang tìm kiếm.


     Ở bước này, bạn nên nhắn tin hỏi han với các bạn sinh viên du học cũ các câu hỏi cụ thể, kiểu như:
         Trường này học ngành này có tốt không bạn?
         Trường này học bổng có cao không bạn?
         Trường này có nhiều sinh viên quốc tế theo học không bạn?
vân vân và mây mây... Mình tin rằng với các câu hỏi đó sẽ rất thuận lợi cho người trả lời.
     Tránh các câu hỏi chung chung nếu bạn không muốn bị lơ đẹp hay từ chối thẳng! 
Link một số bài chia sẻ thủ tục xin du học Đài Loan: 

2. Bạn xin visa
     Đến đây, tức là bạn đã nắm trong tay tờ đơn mời nhập học của trường bạn xin học. Vậy thì đã đến lúc bạn tìm kiếm các bài viết chia sẻ về quá trình xin visa rồi. 
     Đa phần các chia sẻ trên mạng là từ các trung tâm môi giới du học. Nhưng cũng có rất nhiều các kênh công vụ và cá nhân chia sẻ chia tiết quá trình cũng như thủ tục cần thiết cho việc này. Bạn chỉ cần chấp nhận mất nhiều hơn một chút thời gian. 
     Cũng đừng quên ghi chép lại các chia sẻ hữu ích vào sổ tay để khỏi quên nhé!
     Ví dụ bài chia sẻ về thủ tục xin visa du học Đài Loan được chia sẻ từ Văn Phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam: https://www.roc-taiwan.org/vn_vi/post/1792.html 



  Bạn sẽ trải nghiệm được rất nhiều điều qua quá trình bạn xin học bổng và xin visa, nhưng bạn có trở nên mạnh mẽ và thông minh hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn có chủ động tìm kiếm và tra cứu thông tin hay không?
   Bạn có thể ngồi đó đợi người khác mang học bổng và visa đến cho bạn, nhưng bạn chưa chắc đã sống sót một cách oai hùng trong quá trình bạn ở nơi đất khách. 
Bạn nên xác định tâm lý trước về việc, xin được Visa mới chỉ là bước đầu cho chuỗi những bước khó khăn về sau. Để hái được quả ngọt, bạn cần tốt nghiệp và đi làm sau du học ít nhất 2 năm. 
    Chúc bạn mạnh mẽ và đủ kiên trì!

Racy Bùi
Chia sẻ từ Đài Loan!

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Miễn giảm cho lao động cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan tự nguyện về nước

Ngày cập nhật 07/01/2019 15:16:48 PM
Chính sách miễn giảm cho lao động cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan tự nguyện về nước


        Theo Thông Tin từ Ban Quản lý lao động tại Đài Loan, ngày 2/1/2019 Tổng Cục Di dân, Bộ Nội chính Đài Loan đã có thông báo triển khai chương trình miễn giảm xử phạt đối với người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan. Theo thông báo nếu người nước ngoài trong đó có người Việt Nam đang cư trú hoặc lưu trú quá hạn tại Đài Loan tự nguyện đăng ký về nước trong thời gian từ ngày 01/01/2019 đến ngày 30/06/2019 sẽ được hưởng các chính sách miễn giảm giam giữ, tiền phạt và không hạn chế thời gian cấm nhập cảnh.

       Theo chính sách này, trong thời gian triển khai và sau thời gian hiệu lực của chính sách miễn giảm nếu người nước ngoài cư trú hoặc lưu trú quá hạn tại Đài Loan bị các cơ quan chức năng của Đài Loan bắt được về nguyên tắc vẫn sẽ bị: giam giữ theo quy định , phạt mức phạt hành chính cao nhất theo quy định 10.000 Đài tệ và cấm nhập cảnh mức cao nhất là 8 năm.

       Để phối hợp với phía Bạn thực hiện chính sách ân giảm để giảm thiểu tỷ lệ lao động bỏ trốn đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan, Ban Quản lý lao động đã đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo và chỉ đạo các doanh nghiệp đưa người lao động sang làm việc tại Đài Loan phối hợp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin, vận động người lao động đang cư trú hoặc lưu trú quá hạn tại Đài Loan tự ra đăng ký về nước để được hưởng các cơ chế và chính sách miễn giảm.

      Cơ chế xử lý cụ thể của chính sách (xem tại đây)

Nguồn: Chia sẻ từ Cổng thông tin điện tử Cục Lao Động Ngoài Nước, Bộ LĐTB và XH.

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

MỘT LAO ĐỘNG VIỆT NHẢY LẦU TỰ VẪN?


    Vào khoảng 10 giờ tối hôm qua ngày 24 tháng 1 năm 2019 một nam lao động Việt đã rơi từ tầng 4 tòa nhà ký túc xuống đất!

   Tòa nhà nạn nhân đang ở được cho là khu ký túc tập trung cho các lao động mới sang hoặc lao động đợi chuyển chủ, địa chỉ nằm cạnh Ký túc xá sinh viên Trường Đại Học Giáo Dục Đài Loan, Thành phố Đài Trung.
Tòa nhà tập trung lao động nước ngoài

    Vụ việc được phát hiện khi các dân cư và sinh viên gần đó nghe tiếng động lạ rất lớn phát ra, địa điểm nằm ngay cạnh Ký túc xá sinh viên nên một vài nam sinh Trường Đại Học đã nhanh chóng gọi điện cho xe cứu thương và cảnh sát khu vực đến giải quyết.

    Hiện trường ban đầu cho thấy một nam thanh niên rơi từ tầng cao xuống, chạm vào mái tôn của nhà để xe rồi rơi xuống đất, đã có rất nhiều máu tại hiện trường.


Địa điểm lao động bị rơi xuống

    Một vài nam sinh Đại học kể lại, người rơi xuống đất sau một hồi thì ngổm dậy được, khi xe cứu thương đến có hỏi sơ qua thì phát hiện nạn nhân là lao động người Việt Nam. 

     Qua quá trình quan sát tình hình thực tế, Lao động này đang trong tình trạng say xỉn, rất có thể đã không làm chủ được thăng bằng mà ngã khỏi lan can từ tầng 4 rơi xuống.

    Rất may, các chấn thương đánh giá sơ bộ không nguy hiểm tính mạng, một vài điểm xương bị gãy và mất máu.

    Tuy nhiên, thiết nghĩ nếu thói quen bia rượu của lao động này không thay đổi, thì rất có thể lần sau sẽ không còn may mắn như vậy nữa!

    Sự việc rất nhanh được phía cảnh sát giải quyết vì tránh ảnh hưởng đến các sinh viên Đại Học ngay cạnh đó sợ hãi cũng như sự an toàn trong môi trường học tập của nhà trường, chỉ trong chưa đầy 1 tiếng sau khi sự việc xảy ra, hiện trường đã được dọn sạch vết máu, các cá nhân liên quan cũng được đưa về Đồn cảnh sát để hỗ trợ việc điều tra.

Đưa tin từ Blogger Racy Bùi tại Đài Trung.

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

GIA ĐÌNH KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ

     Đúng vậy, các bạn trẻ thân mến, GIA ĐÌNH không phải là tất cả cuộc sống của các bạn, nó cũng không phải đích đến duy nhất của các bạn!

     Các bạn năm nay bao nhiêu tuổi? Mình vừa sang tuổi thứ hai mươi lăm, mình là con gái, và mình giống các bạn mình hiểu giá trị của hai từ gia đình trong xã hội chúng ta nặng như thế nào. Mình đã từng cảm thấy gia đình mình là tất cả, Bố mẹ mình, anh trai mình, ông bà mình. Mình đã từng cảm thấy mình có thể hi sinh nhiều thứ vì họ, cho dù đó có là hạnh phúc của chính mình. Nhưng trong khoảng thời gian đang chông chênh giữa rất nhiều thứ, sự nghiệp, tình yêu, gia đình, học hành, tư tưởng...mình nhận ra Gia đình không phải là tất cả đối với mình, một điều nữa, mình cũng không hề là tất cả của gia đình, chính xác hơn, không có cái gọi là TẤT CẢ của một điều gì cụ thể cả.

     Tác giả của cuốn sách Đi Tìm Lẽ Sống đã rút ra kết luận từ nghiên cứu chính cuộc đời mình, rằng ý nghĩa cuộc đời của con người không phải là một điều chốt hạ duy nhất, mà là ở từng đoạn thời điểm khác nhau, ý nghĩa cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi. 
     
     Chẳng có một từ duy nhất nào trở thành thương hiệu cho sự tồn tại của bạn, không phải từ SỰ NGHIỆP, không phải từ GIA ĐÌNH, không phải từ BÈ BẠN ... mà là tất cả những điều ấy, và cả những điều khác nhỏ hơn, to hơn xuất hiện trong cuộc đời bạn. 

     Một khi bạn quá coi trọng phương diện nào đó trong cuộc sống như Gia Đình hay Sự Nghiệp mà coi nhẹ phần còn lại, bạn đã chọn lối sống LỆCH LẠC cho mình. Hai tác giả của cuốn sách Dám bị Ghét Ichiro và Fumitake cho rằng đó là LỜI NÓI DỐI CUỘC ĐỜI điển hình của con người hiện nay.

Chúng ta luôn tìm ra lý do cho sự phủ nhận những điều khác trong cuộc sống, để biến nó thành điều chúng ta hi sinh, để làm giả giá trị cho chính mình. Ta nói ta hi sinh sự nghiệp vì Gia đình, để gia đình trở nên tốt đẹp nhất, để trong gia đình, giá trị của ta là cao nhất, gia đình thuộc về một mình ta, ta rồi cũng chỉ thuộc về một mình phạm vi gia đình. Nhưng trong sâu thẳm các bạn biết đó là điều giả mà các bạn tạo ra để che đậy cho sự sợ hãi, sợ hãi đối mặt với sự nghiệp khó khăn, sợ hãi làm kẻ thất bại, còn trong gia đình ai dám đánh giá rằng bạn thất bại cơ chứ?  
     
      Đối với sự nghiệp cũng vậy, ta tự tin rằng khi thành công trong sự nghiệp thì tức là ta có giá trị to lớn ở bất kỳ đâu, trong gia đình, trong dòng họ, ngoài xã hội, ta có thể bỏ lơ việc chăm sóc bố mẹ già, con cái cho người còn lại, thậm chí thuê giúp việc thay ta hoàn thành nó. 

     Chúng ta đã quên rằng, cuộc sống này công bằng trong tất cả, nhẽ ra mọi mặt xuất hiện trong cuộc sống của bạn đều sẽ là bạn chịu trách nhiệm, bạn ngoài gia đình cũng cần chịu trách nhiệm cho sự nghiệp của mình, bạn ngoài làm ăn kinh tế hay theo đuổi ước mơ cũng cần phân bổ thời gian và nhiệm vụ cho bố mẹ, con cái, bạn bè của mình. Cuộc đời này của mỗi một con người vốn là hoàn hảo, chúng ta cần hoàn thành nó theo đúng nghĩa của từ "hoàn thành", không đặt nặng coi nhẹ.

     Chính vì thế, chúng ta không nên nghĩ rằng chúng ta yêu thương gia đình nhất, rồi hy sinh tất cả những điều khác chỉ để dành trọn những thứ tốt đẹp nhất cho gia đình, cho bố mẹ, cho con cái, như vậy một phần là bất công với chính mình, phần còn lại là bất công bằng với chính gia đình của bạn, họ cũng sẽ bị đè nặng nên vai cảm giác phải báo đáp bạn, cảm giác mang nợ bạn, cảm giác không thể để bạn thất vọng, rồi cái gia đình ấy sẽ từ từ tự bóp méo mình, oằn mình để mà lại tiếp tục LỜI NÓI DỐI CUỘC ĐỜI.

      Bản thân mình mỗi lần nghe Mẹ nói rằng phải về nước, phải ở cạnh mẹ, phải ổn định công việc, phải kiếm nhiều tiền vì Mẹ đã hy sinh vất vả vì mình nhiều, nên mình phải có trách nhiệm nghe lời mẹ, phải có trách nhiệm sống như Mẹ mong muốn. Và rằng mình bất hiếu, rằng mình vô học khi nói ra quyết định của mình có thể không giống như Mẹ mong. Mình đã đau khổ rất nhiều, thông thường chúng ta chỉ có thể nhìn thấy nỗi khổ trong mắt mình, chúng ta không nhìn thấy được rằng ngoài giọt nước mắt của mình ra, đang rơi xuống ở một nơi khác là nước mắt của kẻ khác, của kẻ hình như cũng giống hệt chúng ta.

     Vậy điều chúng ta, cần lý trí hơn để nhìn rõ là mục đích thực sự của mỗi lựa chọn, mỗi sự việc. Chẳng phải vì mục đích gia đình hạnh phúc sao, chúng ta cần biết gia đình mình thực sự cần những điều gì! Là sự xuất hiện của bạn 24/24 ? Hay là sự xuất hiện của một chiếc ví có đủ tiền để tiêu sài?

     Mọi thứ nhìn nhận một cách khách quan mà nói CÁI VỪA ĐỦ MỚI LÀ CÁI TỐT NHẤT. Sự quan tâm vừa đủ đối với cha mẹ hoặc con cái, sự chú trọng vừa đủ cho sự nghiệp, sự giao lưu vừa đủ cho bạn bè, sự vừa đủ sẽ tạo nên điều hoàn hảo cho tất cả. 

     Các bạn trẻ sẽ không tin điều tôi vừa nói sao?
Nếu các bạn thật sự tin rằng mình có thể phản biện được điều trên, thì tức là các bạn không hề hiểu ý nghĩa thực sự của HOÀN HẢO.

Racy Bùi

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

MUA SÁCH TIẾNG VIỆT TẠI ĐÀI LOAN NHƯ THẾ NÀO?

    Các bạn thân mến!

    Người Việt Nam trong thời gian gần đây theo đuổi nhu cầu cũng như rèn luyện thói quen đọc sách ngày càng lớn, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhu cầu đọc sách này phần đa phục vụ cho nghề nghiệp hay quá trình học tập thi cử của bản thân, bên cạnh đó bộ phận người đọc vì mục đích tích lũy kiến thức xã hội, bồi dưỡng tâm hồn cũng không hề nhỏ. 


    Mỗi một lĩnh vực, chủ đề trong cuộc sống đều là những mảng kiến thức mà chúng ta đều muốn học hỏi, và con đường thông qua Sách chính là con đường dễ dàng và nhanh nhất giúp chúng ta học tập được nhiều hơn. Đơn cử như sách luyện ngoại ngữ, Dạy kinh doanh đầu tư, Sách dạy khởi nghiệp, Sách rèn luyện kỹ năng tâm lý, v.v.

    Ở Việt Nam chúng ta có thể dễ dàng đặt mua sách thông qua các hệ thống bán hàng qua mạng nổi tiếng như TIKI.VN hay FAHASA.COM

    Ngoài ra là những hệ thống cửa hàng đa dạng của các nhà Sách, Nhà Xuất Bản nổi tiếng như Nhã Nam, Alphabook, v.v.

    Vậy nếu các bạn đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đài Loan thì các bạn sẽ mua sách ở đâu?
Trong năm 2017 tại Đài Loan xuất hiện một đơn vị bán sách Việt uy tín và tiện lợi có tên Viện Sách Việt Nam Tại Đài Loan. Tận dụng hệ thống mua sắm qua mạng Shopee.com, PChome; hệ thống các cửa hàng tiện lợi 7-eleven, Family mart, OK, Hi Life, v.v vận chuyển và giao nhận hàng hóa vô cùng tiện lợi  tới khắp các khu vực Đài Loan đem sách đến với độc giả. 

  
logo của Viện Sách Việt Nam tại Đài Loan

    Bạn đọc chỉ thông qua tài khoản Facebook của mình để vào hệ thống bán hàng Shopee, trên đó tìm kiếm tên sách hoặc tên Viện Sách Việt Nam, chọn sách vào giỏ hàng, chọn địa điểm cửa hàng tiện lợi gần nhất để gửi về. Các bạn chọn quyền thanh toán khi nhận hàng và sẽ có tin nhắn thông báo vào điện thoại khi sách đã về đến nơi. 
Giao diện cửa hàng sách Việt trên Shopee


Giao diện cửa hàng sách Việt trên Shopee

Giao diện cửa hàng sách Việt trên Shopee

    Trong khoảng thời gian 5 ngày sau khi sách về đến cửa hàng tiện lợi gần chỗ bạn ở, bất cứ lúc nào bạn đều có thể ra nhận sách và thanh toán mà không phải ở nhà đợi người giao hàng đến.


    NHỮNG ĐIỂM ƯU VIỆT:
1/ Chủ động: Khách mua sách sẽ chủ động nhận sách vào bất kỳ giờ nào (0h-24h), tại bất cứ điểm cửa hàng tiện lợi nào trên khắp Đài Loan.


2/ Tiện lợi: Nếu trong trường hợp bạn gặp khó khăn trong quá trình đặt hàng, đều có thể nhắn tin cho Viện Sách để nhân viên hỗ trợ bạn đặt hàng, thông tin chỉ cần Tên, số điện thoại và địa chỉ cửa hàng tiện lợi gần nhất (hoặc địa chỉ nhà, nhân viên sẽ giúp bạn tìm kiếm cửa hàng tiện lợi phù hợp).

3/ Thanh toán khi nhận được hàng

    Bài viết này chia sẻ và hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam yêu sách đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan, cùng với hy vọng thói quen đọc sách của chúng ta sẽ luôn nhận được sự đầu tư xứng đáng, sự gặt hái xứng đáng!

Chúc các bạn thành công!

Racy Bùi

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

DU HỌC SINH VIỆT NAM SAU KHI TỐT NGHIỆP CÓ THỂ Ở LẠI ĐÀI LOAN TỐI ĐA 1 NĂM

   Theo thông báo của Bộ Nội Vụ Đài Loan vào ngày 01/11/2018 mới đây, sinh viên nước ngoài theo học tại Đài Loan sau khi tốt nghiệp có thể cư trú tối đa một năm.

   Bộ trưởng Nội vụ cho biết, sinh viên nước ngoài tại Đài Loan được thụ hưởng các tài nguyên giáo dục của Đài Loan, nhận được sự đầu tư đào tạo từ chính phủ vì thế có một mức độ nhất định hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ và cuộc sống của Đài Loan, nên được giữ lại ưu tiên để tuyển dụng và làm việc tại Đài Loan.

   Từ đó Viện Hành Chính Đài Loan đã ra quyết định sửa đổi Quy Định đối với sinh viên nước ngoài xuất cảnh sau thời gian tốt nghiệp từ hiện hành 6 tháng lên 1 năm.


Sinh viên nước ngoài sau tốt nghiệp tại Đài Loan có thể ở lại tối đa một năm
Sinh viên nước ngoài sau tốt nghiệp tại Đài Loan có thể ở lại tối đa một năm


   Cụ thể, đối với sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp có thể làm đơn xin gia hạn ở lại trong 6 tháng đầu, sau khi gần kết thúc 6 tháng đầu, nếu nêu rõ lý do đang trong quá trình xin việc hoặc làm thủ tục nhận việc tại Đài Loan sẽ có thể xin gia hạn thêm lần thứ 2, tổng thời gian lâu nhất là 1 năm.

   Bộ Nội vụ chỉ ra điều 22 của Bộ Luật người nước ngoài thường trú và cư trú, và dự thảo sửa đổi Điều 18 của "Các biện pháp áp dụng cư trú của người không cư trú tại Đài Loan để xin cấp phép cư trú và cư trú" sẽ được ban hành trong tương lai gần. 

   Chuyên gia nước ngoài xuất sắc và sinh viên nước ngoài tốt nghiệp có thể giúp giải quyết tình trạng khó khăn về thiếu hụt tài năng cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế ở Đài Loan.

(Báo cáo của Lin Weijun / Đài Bắc)

Link báo cáo: https://tw.news.appledaily.com

Racy Bùi

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

CÁCH TÌM VIỆC LÀM THÊM KHI DU HỌC TẠI ĐÀI LOAN

   Có một điều gần như chắc chắn rằng đến 95% du học sinh Việt Nam tại Đài Loan sẽ tìm việc làm thêm, tuy nhiên theo như mình gặp rất nhiều bạn thì đa số các bạn du học sinh sẽ làm việc cho các quán ăn của người Việt hoặc những nơi có người Việt, điều này có lợi về mặt ngôn ngữ giao tiếp, nhưng cái hại lại khiến cho chúng ta càng ít cơ hội tiếp xúc trực tiếp với môi trường làm việc của người Đài loan, chưa kể lương thường thấp hơn mức cơ bản.   

   Vậy dưới đây, mình sẽ chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm mà mình trải qua cũng như học hỏi được từ các bạn du học sinh khác về các cách tìm việc làm thêm.

   Bài chia sẻ này chủ yếu dành cho các bạn có đủ giấy tờ và thẻ đi làm được cấp bởi Bộ Lao Động Đài Loan, các bạn học hệ ngôn ngữ thường không được phép đi làm nên mình không chắc những chia sẻ này sẽ giúp ích được cho các bạn!

Cách 1: Hỏi trực tiếp nhân viên quản lý văn phòng Khoa bạn đang theo học về việc đăng ký làm (工讀生) sinh viên hỗ trợ của Khoa.

   Nội dung công việc:  Công việc này chủ yếu là giúp các bạn sinh viên của khoa mượn trả đồ, mở cửa lớp học vào buổi sáng, giúp các thầy cô in ấn tài liệu, giao và nhận công văn, chuẩn bị các buổi họp Khoa..v.v. 

   Lương: Thường sẽ được tính theo giờ làm việc, thấp nhất sẽ bằng mức cơ bản tính theo giờ tại Đài Loan (hiện tại tháng 11/2018 là 140 NT$/1 giờ).

   Thời gian làm: Không nhiều, thường thì Khoa sẽ thiếu sinh viên hỗ trợ vào một ngày nào đó trong tuần, chưa kể mức lương giới hạn cho sinh viên làm thêm tại trường là 1 vạn Đài tệ (10 000 NT$) một tháng, vậy nên nếu bạn xin làm được tối đa thời gian để có 1 vạn một tháng thì sẽ làm 16 giờ/ 1 tuần.

Cách 2: Tại Đài Loan có 2 trang Web rất phổ biến để tìm việc đó là Ngân Hàng Nhân Lực 1111 và Ngân Hàng Nhân Lực 104, Bạn có thể điền thông tin cá nhân vào hồ sơ trên hai trang Web này và các yêu cầu công việc mong muốn, khi có những công việc liên quan hoặc phù hợp họ sẽ gọi điện hoặc gửi email về cho bạn. 

   Ngoài ra không nhất thiết phải up hồ sơ cá nhân của mình lên hai trang web trên để tìm việc, bạn có thể lên trực tiếp trang web này tìm kiếm công việc bạn mong muốn.


Tìm kiếm công việc trên Ngân Hàng Nhân Lực 104

Cách 3: Tìm kiếm việc làm trên Facebook

   Mỗi một khu vực ở Đài Loan thường sẽ có những trang Facebook giới thiệu và tìm kiếm việc làm, như ở khu vực Đài Trung sẽ là Tai Zhong Da Gong (台中打工), các thông tin việc làm thêm cho sinh viên được update rất nhiều trên đó, các bạn lướt một lúc sẽ thấy, từ đó tìm kiếm công việc nào phù hợp. 

   Các loại hình công việc chủ yếu là nhân viên phục vụ, phát tờ rơi, việc làm tại nhà.v.v.. 
Nhân viên phục vụ và nấu bếp của quán ăn người Đài Loan
Nhân viên phục vụ và nấu bếp của quán ăn người Đài Loan


Cách 4: Thị sát trực tiếp

   Ở Đài Loan, các cửa hàng, quán ăn, khách sạn... nếu đang tuyển dụng thường sẽ một tấm biển hoặc tờ giấy dán bên ngoài cửa hiệu của họ, các bạn đi lòng vòng ở những địa điểm mà các bạn muốn tìm việc ( gần chỗ ở hoặc gần trường), nếu thấy họ dán biển tuyển dụng (徵工讀生) thì có thể vào hỏi, việc hỏi này sẽ cho bạn biết rằng bạn có phù hợp với công việc này hay không, cũng như mức lương và các điều kiện khác ra sao.

Cách 5: Một công việc phổ biến nhất mà các du học sinh Việt Nam làm đó là phiên dịch.

   Việc phiên dịch cho các công ty môi giới lao động, các công ty thương mại ở Việt Nam sang làm ăn, ký kết hợp đồng, phiên dịch cho nhóm người Việt sang du lịch.... những công việc này có thể nhận được từ một số người quen giới thiệu, hoặc tìm kiếm trên facebook ở các trang hội nhóm người Việt Nam tại Đài Loan.

Một số lưu ý: Việc đi làm với thân phận là du học sinh ở Đài Loan sẽ có một số hạn chế nhất định, chủ yếu là giấy phép đi làm thêm (工作證), chúng ta sẽ được cấp 6 tháng một lần, mỗi khi chuẩn bị hết hạn sẽ phải chuẩn bị để đăng ký gia hạn 6 tháng tiếp theo. 

   Với vấn đề tại sao lại là 6 tháng thì mình giải thích như sau: 
   Việc chấp nhận cho bạn đi làm thêm phụ thuộc vào thân phận của bạn, mỗi một kỳ học chúng ta nộp học phí và tạp phí (學雜費) một lần, điều này sẽ cho chúng ta quyền được đóng dấu lên thẻ sinh viên, chính vì thế nếu chỉ cần kỳ này bạn không nộp học phí và tạp phí, thẻ sinh viên của bạn sẽ không đủ tư cách để đăng ký thẻ đi làm, đây là chính sách để quản lý sinh viên nước ngoài tại Đài loan, tránh trường hợp du học sinh bỏ học giữa chừng.   

   Ngoài ra sinh viên bị hạn chế đi làm tối đa 20 giờ/ 1 tuần, mức thu nhập vào khoảng 11200 NT$ ( 11200元) tính theo mức lương cơ bản ở thời điểm này.   

   Để tránh bị điều tra làm việc quá thời gian một cách an toàn nhất là bạn làm nhiều chỗ khác nhau, mỗi chỗ không quá 20 giờ/ tuần, bên cạnh đó có thể nhận lương trực tiếp không gửi qua ngân hàng phòng trường hợp tài khoản ngân hàng bị điều tra.   
   Ngoài những cách trên đây để tìm việc làm, một yếu tố rất quan trọng đó là các bạn dám hỏi, mình khi mới tới Đài Loan, vì không có mối quan hệ nào để hỏi việc nên mình đã hỏi ngay anh quản lí văn phòng Khoa, anh ấy giới thiệu mình đi lau nhà cho giáo sư của khoa, mỗi ngày lau nhà được trả 2000 Đài tệ, trung bình một tháng lau 1 đến 2 lần.  Mình đã làm công việc đó liên tục 2 năm đầu trên đất Đài, điều này đã giúp mình không bị đói vào những khi công việc không ổn định hoặc vừa nộp học phí xong hết tiền. 
Mình trên đường tới nhà giáo sư để lau nhà
Mình trên đường tới nhà giáo sư để lau nhà

   Trên đây là một số chia sẻ của mình, các bạn có bất cứ vấn đề nào thắc mắc hoặc góp ý đều có thể phản hồi lại cho mình bằng cách comment.

   Cảm ơn các bạn và chúc mọi sự thuận lợi!

Racy Bùi

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

DU HỌC SINH TỰ GIA HẠN CƯ TRÚ TẠI ĐÀI LOAN



Chào các bạn, với bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn thủ tục tự xin gia hạn cư trú tại Đài Loan.

Hình được mình chụp tại Khu Sáng Tạo Văn Hoá Đài Trung


Mình hiện đang theo học tại trường Quốc lập Giáo dục Đài Trung Đài Loan https://www.facebook.com/groups/412710915777199/?ref=group_header  hệ đào tạo Thạc Sĩ, vậy nên ở bài chia sẻ này phạm vi mình xin gia hạn thẻ cư trú là ở khu vực Đài Trung và kinh nghiệm cá nhân mình, nếu có bất cứ thắc mắc nào các bạn đều có thể liên hệ hoặc comment, mình sẽ trả lời sớm nhất có thể!



Bước 1. Chuẩn bị giấy tờ.

Các bạn cần chuẩn bị giấy tờ xin gia hạn cư trú trước ít nhất 2 tuần làm việc, tức khoảng 15 ngày. Có nhiều trường hợp bị quên, đến lúc nhớ ra thì gần hết thời gian hoặc đã quá hạn vài ngày,

💃 Các bạn tới phòng hỗ trợ sinh viên (生活輔導組) lấy đơn xin làm thẻ cư trú ở tủ trước cửa ra vào ở mục 僑外籍生居留申請書 đồng thời lấy thêm giấy chứng minh đang học tại trường ở mục 就學證明書viết sẵn. hoặc có thể trực tiếp hỏi thầy quản lý để lấy giấy tờ trên. Lúc điền phải kèm theo hộ chiếu và thẻ cư trú để điền thông tin cho chính xác.


💁 Điền xong để an tâm nhất nên đưa cho thầy quản lý kiểm tra lại một lần nữa để chắc chắn là không có gì sai xót, sau đó nhờ thầy đóng dấu xác nhận là Ok.

Đối với những bạn gia hạn thẻ cư trú theo diện tốt nghiệp muộn (ví dụ: học Thạc sĩ 2 năm mà chưa xong nên học tiếp năm 3) cần phải tích chọn và ghi chú thêm trong đơn Chứng minh đang theo học tại trường (就學證明書) mục học tiếp năm 3 (đối với Thạc sĩ) hoặc học tiếp năm thứ 5 (đối với hệ đại học).

💀 Chuẩn bị 1 tấm ảnh (cứ mang hai tấm cho chắc mặc dù kiểu gì cũng ko dùng tới) dạng 4*6, đầu to, để lộ rõ tai, không đeo kính. Ngoài ra ảnh thẻ bên ĐÀi Loan bạn có thể mỉm cười thoải mái, chứ không bị yêu cầu hầm hố như ở Việt Nam.( quy định là vậy cơ mà nay mình lỡ mang ảnh cỡ nhỏ ra họ vẫn linh động chấp nhận, có điều ảnh sẽ bị kéo giãn ra nên chắc sẽ ko xinh như người thật được  )

💆 Hộ chiếu bản gốc và photo ( nếu chưa in trước thì ra Sở Di Dân bỏ 2 đồng vào máy rồi tự in cũng được, hoặc có thể nhờ nhân viên hỗ trợ in giúp)

💁 1000 đài tệ tiền phí làm thẻ cư trú và 29 đồng đài tệ nếu muốn họ gửi về tận trường ( nếu bạn nào muốn đến tham quan lần nữa thì ko cần)

Bước 2. Cách thức di chuyển ( Hướng dẫn di chuyển này mình chia sẻ cho các sinh viên Việt Nam tại trường Giáo Dục Đài Trung, đối với các bạn ở khu vực khác có thể tự tìm các phương thức di chuyển khác nhau cho phù hợp)

🔜 Di chuyển : Lên bản đồ tìm xe bus chạy đến điểm gần nhất xuống sở di dân( nay mình bắt xe 75 đi và về xe 27), Tên như hình kèm theo, có khá nhiều cách bắt xe nên m.n tự chọn, hầu hết đều phải quốc bộ một đoạn. Cách khác là đi xe đạp, hoặc đi ubike - ở gần Sở Di Dân có trạm ubike nên chúng ta có thể tận dụng, đạp xe hết khoảng 30 phút, lâu hơn nữa nếu không quen đường.

🔛 Thao tác: Tự tin bước vào phòng tiếp tân bên trong, tìm bàn phục vụ ở góc trong cùng, nhờ họ kiểm tra giúp xem giấy tờ và thủ tục của mình đã đủ hay chưa, nếu đủ rồi thì rút mã số, tìm một ghế trống và đặt mông xuống.

🔛 Để ý mã số trên dãy bảng thông báo, thấy số giống số mình thì dồn hết lực vào đan điền, co chân rồi đứng dậy, rảo bước đến số bàn họ quy định.

🔛 Phần còn lại tùy thuộc vào sự thông minh và nhanh trí của bạn.

 🔚 Sau 10 ngày làm việc hoặc sau hai tuần sẽ có thông báo thẻ cư trú của bạn gửi về trường. Hoặc bạn đến tận nơi nhận thẻ sau thời gian họ thông báo.

🔺 Chúc các bạn may mắn!

Racy Bùi


Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

(phần tiếp) DU HỌC SINH KHI MỚI TỚI ĐÀI LOAN

     So với những bạn đã có kinh nghiệm chuyên nghiệp về giao tiếp tiếng Trung sẽ thuận lợi hơn cho giai đoạn đầu mới sang Đài Loan, còn với những bạn giống mình tự học ở trung tâm 1 năm, sau đó tự học ôn thi TOCFL hơn 1 năm (lúc học lúc không) trình độ không được bài bản thì sẽ rất áp lực trong khoảng 1 năm đầu tiên, vậy với trình độ tiếng Trung còn kém như thế, bạn cần phải làm những gì để tăng khả năng Nghe, Nói, Đọc, Viết một cách nhanh nhất, để theo "gần kịp" với các bạn học cùng lớp, yêu cầu của cô giáo và môi trường làm thêm? Sau 1 năm rưỡi du học, mình đúc rút được một số kinh nghiệm cá nhân như sau:


Chỗ ở:  Mặc dù đã là du học sinh ở Đài Loan, nhưng thông thường như trường mình học, Phòng quản lý sinh viên nước ngoài vẫn sắp xếp các sinh viên cùng nước sống chung với nhau, vậy thì lợi về mặt tinh thần nhưng hại về mặt lý trí.  
     Nói vậy vì ở cùng người Việt sẽ chỉ nói Tiếng Việt thôi, Tiếng không khá nhanh được đồng thời những vấn đề nảy sinh như ăn uống, sinh hoạt, học tập, thông báo của trường đôi khi phát sinh và tiện nhất là bạn sẽ hỏi người cùng phòng, chính vì thế khi mới vào ở hoặc trước khi kết thúc kỳ học đầu tiên (kỳ đầu khi nhập học thông thường trường đã xếp phòng thì không xin đổi được) bạn gặp thầy phụ trách để xin đổi phòng ở cùng người Đài hoặc SV Trung Quốc, Trong khi sống cùng cố gắng giao tiếp nhiều hơn, nếu họ không nói chuyện với mình thì cũng không cần bực (vì mình gặp phải rồi), ngồi nghe bọn nó nói chuyện với nhau, cũng học lỏm được không ít, chưa kể nghe nhiều thành quen. Năng lực nghe khá lên rất nhanh. 

Chỗ làm thêmĐa phần SV Việt Nam du học đều sẽ đi làm thêm, một số bạn học chương trình học tiếng bị cấm đi làm, mình không khuyên các bạn đi làm vì khi bị phát hiện hậu quả sẽ khôn lường.
Các bạn chỉ nên đi làm khi đã có thẻ đi làm trong tay hoặc đang trong thời gian đợi thẻ đi làm gửi về.
     Nhiều sinh viên VN hay tìm mấy quán nơi có người Việt làm việc để xin việc cho dễ, nhưng mình khuyên là không nên, hoặc có bạn bè người Việt làm cùng thì phải là công ty hoặc nhà hàng nhiều người Đài, khi làm việc mình bắt buộc phải giao tiếp với họ, thời gian đầu sẽ rất khó khăn, nhưng đừng vì thế mà  "im lặng" theo nghĩa đen, hãy nói nhiều hơn, nói sai nhiều vào, họ sẽ chỉ cho bạn đã sai ở đâu và nên nói như nào mới đúng. Qua một thời gian khoảng nửa năm, năng lực phản ứng trong giao tiếp sẽ tăng vọt như "sinh đẻ không kế hoạch". Có điều phần này cần bạn phải mạnh dạn, phải tự tin.

     Đối với người Đài Loan, phần đông họ sẽ rất tử tế và lịch sự bề ngoài, họ sẽ cười với bạn bất cứ lúc nào hai ánh mắt chạm nhau, thậm chí tỏ ra quan tâm và hỏi han rất nhiều về cuộc sống của bạn. Lời khuyên của mình là đừng tin những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí cảm nhận thấy.
     Đôi khi gặp phải những trường hợp khiến trái tim bạn thổn thức, cảm khải hay biết ơn vô bờ, hãy bình tĩnh lại và nói lớn trong tâm khảm rằng ĐÓ LÀ KỸ THUẬT CHI PHỐI TÂM LÝ MÀ NGƯỜI KHÁC SỬ DỤNG ĐỂ ĐIỀU KHIỂN MÌNH ( có thể bạn sẽ nghĩ làm quái gì mà nghiêm trọng vậy). Nhưng ít nhất mình khuyên bạn không nên nhận những gì người khác đột nhiên cho không hay sự giúp đỡ của người khác trong khi bạn có thể tự làm nó, bạn nên giữ thái độ trung lập trong tất cả mọi tình huống, không nên tỏ ra quá thân thiết với một ai đó hay quá lạnh lùng với một ai đó. 

     Người VN mình thường đơn giản, nhưng người Đài Loan thì lại rất phức tạp, thế nên nếu bạn đơn giản quá trước sự toan tính  phức tạp của người khác, bạn sẽ thiệt thòi vào một lúc nào đó, lúc ấy bạn mới nhận ra thì trái tim bạn đã tổn thương đến nhỏ máu rồi.
     
    Mình không muốn khuyên bất cứ ai hãy sống "giả", mình khuyên bạn hãy giữ tâm hồn như bạn vốn có, nhưng chỉ với những người xứng đáng được bạn đối xử với tâm hồn trong sáng của bạn, những người bình thường khác trong một số hoàn cảnh bình thường như chỗ làm, chỗ học, thậm chí chỗ ở, nếu bạn cảm thấy họ không thể là tâm giao, là tri kỷ thì vẫn cần có khoảng cách về khoảng cách vật lý và tâm lý.

Đi họcThời gian đầu mình đã gặp stress rất nặng nề về vấn đề học tập, mình lên lớp nghe giảng chẳng khác nào "Đàn gẩy tai trâu", đọc tài liệu thì vô cùng chậm, cô hỏi thì không biết trả lời thế nào vì căn bản không hiểu. Áp lực ấy, bạn hãy cho nó là đương nhiên, đừng sợ hãi, đừng từ bỏ. 
     Có thể bạn đau đớn mỗi khi phải nghe ai đó giảng giải về thứ bạn không hiểu về cả nội dung và ngôn từ, có thể bạn đau đớn khi bạn muốn nói mà nói không thành từ, thứ mà bạn đang có trong đầu, thậm chí bạn sẽ muốn chửi thề tục tĩu nhất khi một câu nói tưởng chừng như đơn giản nhất bạn biết bạn có thể phát âm chuẩn chỉnh nhưng trong trường hợp cần bạn phản ứng với tốc độ giao tiếp thông thường thì bạn ĐÉO nói ra được, hay ngắc ngứ như gà mắc thóc. 

   Thế đấy, hãy chấp nhận những thứ ấy, hãy để bản thân bạn trải qua như cái điều bạn phải làm vậy, hãy nói với bản thân bạn rằng, KHÔNG SAO CẢ, MÌNH ĐANG HỌC VÀ RÈN LUYỆN, MÌNH CẦN THÊM THỜI GIAN, đó là cách mình đã làm, nếu bạn tự tha thứ cho sai sót của bạn, bạn sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều và sẵn sàng để tiếp nhận những sai sót lần sau, khi bạn dám chấp nhận SAI, bạn mới dám làm tiếp, như thế mới đạt đến cái ĐÚNG một cách nhanh nhất.      
     
    Hiện mình mới Du học được 1 năm rưỡi, các cụ vẫn nói "Vạn sự khởi đầu nan", khoảng thời gian vừa qua là quãng đường ghồ ghề nhất mình từng sải chân qua từ khi biết nhận thức cho đến giờ, mọi thứ mới chỉ vừa bắt đầu và mình tin rằng BẠN cũng vậy!    

     Chúc bạn có đủ dũng khí để không từ bỏ!

Racy Bùi

Sống như nào là sống thông minh và Hạnh Phúc?

Sống như thế nào là sống thông minh và để có cảm giác hạnh phúc? Triết gia người Đức David Prentch, tác giả cuốn sách Tôi Là Ai và Nếu Vậy T...